Dù được tung hô và dành được danh tiếng nhất định, nhưng giá ICP giảm liền tù tì không hề có sức bật lên kể từ khi lên sàn. Nhiều nhà đầu tư đã “đu đỉnh” ICP và vô cùng mong ngóng ngày về bờ. Nhưng tại sao một dự án được ca ngợi, đánh giá tiềm năng như vậy là dump mãi? Hãy cùng Thám tử blockchain đi điều tra “vụ án” này nhé!
Thám tử on-chain
Nhận diện địa chỉ ví
Để bắt đầu, chúng ta cần nhận diện những “đối tượng” liên quan như sau:
- Ví của “chính chủ” Dfinity – sẽ gọi là Ví A
- Ví của các bên có “quan hệ thân thiết” với Dfinity – sẽ gọi là Ví B
- Ví của các sàn giao dịch như Coinbase, Binance, Dfinity – sẽ gọi là Ví C
- Ví trung gian làm “trạm trung chuyển” token giữa ví từ dự án (A+B) sang ví sàn giao dịch (C) – sẽ gọi là Ví D
*B, C, D có nhiều ví chứ không phải 1 ví, nhưng tạm gọi chung để dễ theo dõi
Theo điều tra của các “thám tử” blockchain, Ví A đã nhận được khoảng 107 triệu token ICP từ quá trình khởi tạo token ban đầu. Với tổng cung tối đa của ICP là hơn 470 triệu token, một mình Ví A đã chiếm hết gần 1/4 tổng cung ICP.
Sở dĩ nhận biết Ví A là ví chính chủ của Dfinity vì trong một dự án, không có thực thể nào khác nắm giữ lượng lớn token từ đầu như vậy – ngoài trừ chính bản thân những người tạo ra dự án.
Đây là hiện tượng vô cùng bình thường trong các dự án. Ví A này sẽ không có gì đáng nói nếu A không chuyển token “vô tội vạ” cho các Ví B. Thông thường, ví chính chủ dự án chỉ có các đợt chuyển token theo smart contract để airdrop cho cộng đồng, chi trả marketing, chia quỹ để quản lý hoặc các hoạt động liên quan đến phát triển dự án.
Việc Ví A của ICP chuyển token cho nhiều loại ví khác làm “thám tử” nghi ngờ các ví này là ví “người nhà”, ví có “quan hệ thân thiết” với dự án. Nhóm này gọi chung là Ví B – ví “con ông cháu cha”.
Các Ví A và B này tựu chung là những người “tai to mặt rộng” trong bộ máy quản lý dự án Internet Computer. Tuy nhiên, sau khi nhận token, A và các ví B thường xuyên chuyển sang các ví D – ví trung gian – để chuẩn bị chuyển lên sàn giao dịch. Từ các ví D này, token ICP sẽ được chuyển lên ví sàn C.
Và sau đó thì câu chuyện đã rõ ràng hơn.
Gửi token lên sàn để làm gì?
Truy vết dòng tiền
Như hình trên có thể thấy:
- Tổng số token ICP khởi tạo ban đầu là hơn 470 triệu token -> chuyển 107 triệu token sang Ví A (màu vàng)
- Ví A chuyển 34,1 triệu ICP cho các người nhà là Ví B (màu đỏ)
- Ví A chuyển 8,3 triệu token vào ví sàn giao dịch – Ví C (ví màu xanh lam)
- Ví B chuyển 10,7 triệu token vào Ví C
Như đã nói ở trên, giao dịch 1 hợp lý vì A là ví chính chủ của dự án, cần nắm giữ phần token nhiều nhất. Nhưng 3 giao dịch còn lại rất đáng ngờ. Cùng thám tử truy xét thêm nhé!
1. Ví A -> C: 8,3 triệu ICP
Đáng chú ý là 94% trong tổng số 8,3 triệu ICP chuyển từ ví A -> C đó chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày:
Dĩ nhiên, mục đích chuyển token vào ngày 10/5 có thể dễ dàng nhận biết. Vào ngày ICP niêm yết đồng loạt các sàn thì ví dự án chuyển token lên sàn để cung cấp thanh khoản là điều bình thường.
Tuy nhiên, còn ngày 15/6 thì sao?
Rà soát lại hoạt động của dự án quanh ngày 15/6 – không hề có hoạt động nào cần chuyển token lên sàn như vậy.
Vậy đợt chuyển ICP lên sàn vào ngày 10/6 để làm gì?
2. Ví A -> B: 34,1 triệu ICP
Ví A đã gửi tổng cộng 34,1 triệu ICP cho những ví rất đáng ngờ – nhóm ví B.
Và khoảng 75% giao dịch trong số này đã được thực hiện trong vòng 3 giờ kể từ khi Coinbase niêm yết ICP.
3. Ví B -> C: 10,7 triệu ICP
Thôi thì Ví A gửi token lên sàn cũng hợp lý đi. Nhưng nhóm Ví B chuyển ICP lên sàn để làm gì?
Trong vài tuần kể từ khi ICP được niêm yết, nhóm Ví B này đã thay phiên nhau lần lượt chuyển token lên ví các sàn như Coinbase hay Binance.
Thám tử đã truy vết được “đối tượng khả nghi số 1” như sau:
- Ví A chuyển 62,500 ICP vào Ví B1 chỉ 2 giờ trước khi ICP được niêm yết
- Ví B1 chuyển 62.000 ICP vào Ví D (bạn còn nhớ ví D chứ? trạm trung chuyển!) trong hơn 5 ngày sau khi ICP niêm yết
- Nhóm Ví D chuyển số ICP đó lên Ví C – nhóm ví của sàn Binance, Coinbase – chỉ 20 phút sau đó
Thám tử on-chain kết luận
Dĩ nhiên, có thể giải thích rằng việc ví nhà Dfinity chuyển ICP lên sàn là để phòng hộ, để đảm bảo cho giao dịch, để giữ trữ lượng token thanh khoản trên sàn,…
Tuy nhiên, những hành động đó có thể thực hiện bằng 1-2 lệnh chuyển tiền “liền phát một”. Chứ không phải chia lẻ và “lắt nhắt” như trên.
Bên cạnh đó, quan sát biến động giá của ICP từ khi lên sàn, chúng ta chỉ thấy… những cây nến đi vào lòng đất. Bất kỳ trader nào nhìn chart này cũng đồng ý rằng ICP gặp lực xả rất mạnh và không hề có sự hỗ trợ từ bên mua.
Đến đây câu hỏi của thám tử on-chain đã được giải đáp:
Gửi token lên sàn để làm gì?
Để dump chứ gì!
Thám tử off-chain
Tokenomics? Lộ trình phân phối token? KHÔNG CÓ!
Sau khi đọc hết phần trên, chắc hẳn có một số bạn sẽ đi tìm lộ trình phân phối token của ICP.
Và bùm! Chúng ta phát hiện ra là không hề có những thông tin đó!
Kể cả whitepaper, website chính thức, trang Medium hay Twitter đều không công khai thông tin về lịch trình mở khóa và phân phối token ICP.
Đây là cách làm rất không phù hợp với tiêu chí minh bạch vốn có của blockchain. Các dự án DeFi khác như Uniswap chẳng hạn, đều công khai lịch trình mở khóa token của mình. Trong cái bài viết phân tích dự án của TinTucBitcoin đều chia sẻ thông tin về tokenomics của dự án. Đây là một khía cạnh vô cùng quan trọng nhằm định giá token, dẫn đến quyết định nhà đầu tư có mua token đó hay không.
Thám tử chỉ tìm được 1 slide trong video phát hành 7 tháng trước khi ra mắt token miêu tả khá chung chung về thông tin này:
Sau khi tìm mãi không thấy thông tin tokenomics, thôi thì đi hỏi trực tiếp dự án vậy!
Và dưới đây là câu trả lời của Dominic Williams – nhà sáng lập ICP – khi có một người dùng hỏi về thời gian mở khóa, phân phối token.
Foundation didn’t vest itself but plans on putting most of its ICP into neurons. It is doing this carefully to make sure foundation+team members don’t control the network (you wouldn’t believe it based upon what you hear, but in actual fact, we care a lot about decentralization!)
— Dominic Williams ∞ (@dominic_w) May 27, 2021
“Dfinity Foundation không có kế hoạch vest ICP nhưng dự định để phần lớn ICP vào mạng neuron. Điều này sẽ đảm bảo rằng foundation và đội ngũ dự án không kiểm soát mạng lưới. (Bạn có thể không tin, nhưng chúng tôi rất quan tâm đến tính phân quyền của dự án đấy!)”
Giải thích nghe đáng tin nhỉ (?!)
Dự án không có kế hoạch vesting – nghĩa là thành viên dự án được quyền làm bất kỳ điều gì với token ngay từ khi khởi tạo dự án. Không có lộ trình unlock dần (như token UNI ở trên), đội ngũ, nhà đầu tư private round, seed round, partner,… nhận được token ngay và có thể “làm gì tùy thích” mà không có ràng buộc nào!
Nhà đầu tư vòng Seed Round ở đâu?
Tương tự các dự án blockchain khác, ICP cũng có vòng Seed Round vào đầu năm 2017. Khi đó dự án mở cửa để một số người dùng thông thường (người dùng nhỏ lẻ) có thể “đóng góp” một số tiền khá nhỏ – cùng với lời hứa sẽ nhận được token ICP khi dự án được ra mắt.
Nói cách khác, các nhà đầu tư vòng Seed Round là những người mua token ICP với mức giá vô cùng rẻ – chỉ vài cent, vô cùng thấp so với mức giá ICP lần đầu niêm yết sàn.
Đây là hoạt động vô cùng bình thường trong lĩnh vực blockchain. Những nhà đầu tư ủng hộ dự án từ buổi đầu sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng sau này, khi dự án ra mắt và gây được tiếng vang.
Tuy nhiên, từ phần phân tích on-chain trên, chúng ta không hề nhận thấy tung tích của các nhà đầu tư Seed Round này. Chỉ có Ví A (ví chính chủ dự án) và nhóm Ví B (ví người quen của dự án) dump hàng triệu token ra thị trường, chứ không hề có ví của các nhà đầu tư Seed Round.
Vậy họ đã ở đâu?
Dạo 1 vòng quanh Forum thảo luận của Dfinity, chúng ta sẽ phát hiện ra các nhà đầu tư Seed Round gặp vô vàn “vấn đề kỹ thuật” khi muốn nhận token của mình.
Theo bài hướng dẫn dành cho nhà đầu tư Seed Round, dự án yêu cầu những người đã ủng hộ mình từ thuở ban đầu phải thực hiện “ba bảy bốn chín” bước vô cùng nhiêu khê để nhận token ICP.
“Tôi phải mua Macbook để cài file sdk của Dfinity…”
“Đầu tư vòng Seed Round của ICP 4 năm trước (tháng 12/2017). Và rồi tôi nhận được gì?
Không có thông tin hay hướng dẫn gì giúp những nhà đầu tư Seed Round nhận được token ICP cả!
Ai đó giúp tôi với!”
Các bạn có thể truy cập Forum Dfinity để xem hàng loạt bình luận về việc nhà đầu tư Seed Round không thể nhận được token. Hàng nghìn bình luận chỉ liên quan đến việc làm thế nào để nhận token mà không hề có hướng dẫn hay hỗ trợ gì từ đội ngũ Dfinity.
Sau khi nhà đầu tư đã “tự bình luận” với nhau chán chê, 1 người dùng đã đi đến kết luận cay đắng:
“Chúng ta nhận được gì sau 4 năm đầu tư Seed Round?
- Thêm 4 năm vesting mà chỉ được thông báo vài giờ trước khi ra mắt token
- Tài liệu hướng dẫn thì đầy lỗi, KYC thì không được
- Chẳng có ai thèm hỗ trợ
- Không có ví nào chứa token ICP”
Thám tử off-chain kết luận
Sau khi trinh sát cộng đồng Dfinity, thám tử dễ dàng đi đến kết luận là:
Nhà đầu tư Seed Round rất khó để nhận được token ICP của mình. Trong khi ví dự án và ví người nhà nhận token mà không hề có ràng buộc nào.
Chúng ta phát hiện 2 trạng thái vô cùng đối lập:
- Đội ngũ dự án: token không vesting, dump thoải mái lên sàn, gây khó khăn cho nhà đầu tư Seed Round
- Nhà đầu tư Seed Round: bị thông báo vesting bất ngờ, không thể nhận token vì “vấn đề kỹ thuật”, dự án không hỗ trợ
Tạm kết
Từ những điều tra và phân tích như trên, thám tử có thể kết luận rằng đội ngũ dự án ICP không hề có kế hoạch vesting token để dễ bề pump-and-dump lên sàn. Dự án còn “làm khó dễ” nhà đầu tư của minh, không hỗ trợ thiết thực để nhà đầu tư Seed Round nhận token – nhằm giảm thiểu “đối thủ cạnh tranh” xả token lên sàn.
Từ đó, chỉ còn thành viên và “người quen” của dự án dump hàng triệu token ICP ra thị trường.
Dự án đã xả “lên đầu lên cổ” người dùng, nhà đầu tư của mình.
Đó là lý do Internet Computer (ICP) giảm 95% chỉ trong gần 2 tháng và nhà đầu tư “đu đỉnh” sẽ khó có cơ hội về bờ trong tương lai gần…
Xem toàn bộ điều tra của Thám tử Arkham tại đây.
Jane
Có thể bạn quan tâm:
TinTucBitcoin.com