Trong quá khứ, Bitcoin đầy đủ những đặc trưng riêng và hoạt động độc lập. Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường crypto, Bitcoin đã tham gia vào cuộc đua với chuẩn token BRC-20 được sử dụng trong hệ sinh thái của Bitcoin. Hiện nay, BRC-721, chuẩn token đặc biệt dành cho NFT Collectibles, cũng đã xuất hiện trong hệ sinh thái Bitcoin.
BRC-721 Token là gì?
BRC-721 Token là tiêu chuẩn token được thiết kế đặc biệt cho các NFT (Non-Fungible Token), và được phát triển từ chuẩn BRC-20 – đối với fungible token – trên mạng lưới Bitcoin. Mỗi token BRC-721 sẽ được phân biệt bởi một mã định danh (Identifier inscription) duy nhất, giúp chúng trở nên độc nhất và không thể bị thay thế.
Các ID inscription (Mã khắc) này sẽ được tạo từ 1 đến giá trị tối đa của tổng cung của một NFT Collection theo trật tự số đếm. Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ sự đặc biệt và giá trị của BRC-721 token trong việc tạo ra những sản phẩm NFT mang tính sáng tạo và khác biệt trên thị trường.
Khác biệt giữa BRC-20 và BRC-721 Token
BRC-20 và BRC-721 là hai tiêu chuẩn token trên blockchain Bitcoin với một số khác biệt đáng chú ý:
- Điểm khác biệt quan trọng giữa hai tiêu chuẩn này là tính năng token được hỗ trợ. Trong khi BRC-20 được dùng cho các Fungible Token, BRC-721 được sử dụng cho Non-Fungible Token (NFT).
- Ngoài ra, BRC-721 cũng trải qua một số nâng cấp trong quá trình tiến hành dựa trên các thông số kỹ thuật của BRC-20. Cụ thể, nó sử dụng tệp JSON để xác định token và chức năng token.
- Khi thực hiện giao dịch, BRC-721 cũng có cách tiếp cận khác so với BRC-20. Thay vì yêu cầu người dùng phải mint một giao dịch transfer inscription để gửi token, BRC-721 sử dụng tính năng ghi thứ tự thông qua ID inscription để thực hiện giao dịch gửi. Điều này giúp giảm chi phí và lượng dữ liệu phải lưu trữ của mạng lưới Bitcoin.
Tóm lại, BRC-20 và BRC-721 đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Người dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định sử dụng loại token nào phù hợp với mục đích của mình trên nền tảng blockchain Bitcoin.
Các bước tạo ra BRC-721 Token
Triển khai một BRC-721 trên mạng Bitcoin tương đương với việc tạo ra một phiên bản NFT trên blockchain này. Các bước để tạo ra token này bao gồm các hoạt động cụ thể như sau:
Bước 1: Triển khai BRC-721 Token (Deploy BRC-721 Token)
Trong quá trình tạo ra một token BRC-721 trên chuỗi khối, có những dữ liệu quan trọng cần được cung cấp.
Ví dụ:
{
"p": "brc-721",
"op": "deploy",
"tick": "ordinals",
"max": "10000",
"meta": {
"name": "Ordinals",
"description": "Bring NFT to Bitcoin",
"image": "https://storage.googleapis.com/opensea-prod.appspot.com/puffs/3.png",
"attributes": [
{
"trait_type": "trait1",
"value": "value1"
}, ... ]
}
}
Bước 2: Mint BRC-721 Token
Để có thể sở hữu một NFT trên các mạng lưới Ethereum, Solana và các nền tảng khác, người dùng thường cần thực hiện một quá trình gọi là “mint” NFT. Điều này có nghĩa là người dùng phải tạo ra một loại token số hóa độc đáo, đại diện cho một tài sản hoặc một tác phẩm nhất định, và đưa nó vào sử dụng trên blockchain của mạng lưới đó. Quá trình mint NFT được thực hiện bằng cách sử dụng các công cụ phần mềm đặc biệt, đảm bảo tính độc nhất và bảo mật cho các NFT được tạo ra.
Ví dụ:
{
"p": "brc-721",
"op": "mint",
"tick": "ordinals"
}
Bước 3: Chuyển BRC-721 Token
Trong quá trình chuyển giao BRC-721 token, ta có thể hiểu đó là hành động giao dịch NFT giữa người mua và người bán. Khác với BRC-20 thường yêu cầu phải tạo ra giao dịch transfer inscription, thì BRC-721 lại hoạt động khác hơn.
Với việc gửi một NFT, người dùng chỉ cần chuyển trực tiếp ID inscription đã mint phía trên cho người nhận. Điều này giúp cho việc gửi token trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, đồng thời tăng tính linh hoạt trong quá trình trao đổi NFT giữa các cá nhân hay tổ chức.
Bước 4: Cập nhật thông tin BRC-721
Sau khi giao dịch mua BRC-721 token được hoàn thành, người gửi sẽ cập nhật thông tin ID inscription bằng lệnh “buri”, nhằm trao quyền sử dụng NFT cho người nhận. Từ đó, người nhận hoàn toàn có quyền sử dụng và quản lý tài sản kỹ thuật số mà mình đã mua.
Ví dụ:
{
"p": "brc-721",
"op": "update",
"tick": "ordinals",
"buri": "https://ipfs.io/abc"
}
Những lưu ý:
NFT Deployer (Người triển khai NFT)
- Thông tin về việc triển khai lệnh khắc NFT được đăng ký được lưu trữ tại địa chỉ của người triển khai.
- Địa chỉ ví thực hiện lệnh tạo mới thông tin triển khai sẽ trở thành địa chỉ triển khai (deployer).
- Nếu việc triển khai bị chuyển giao cho một địa chỉ ví mới, thì địa chỉ ví mới sẽ trở thành địa chỉ triển khai.
- Trong quá trình triển khai, người triển khai có thể thay đổi buri để có thể giao dịch NFT một cách linh động.
ID Inscription (Mã khắc)
- Tương tự như chuẩn ERC-721, mỗi NFT trong BRC-721 NFT Collection sẽ được gán một ID duy nhất.
- Mỗi lệnh “mint” sẽ tạo ra một ID inscription từ 1 đến giá trị tối đa tổng cung của một NFT Collection, được xác định bởi thứ tự số đếm.
- Nếu giá trị của ID Inscription vượt quá tổng cung của NFT Collection, thì lệnh đó sẽ không hợp lệ.
NFT Owner (Chủ sở hữu NFT)
- Địa chỉ ví chứa ID inscription đóng vai trò như chủ sở hữu của NFT.
- Khi một lệnh “mint” được gửi đến một địa chỉ ví mới, chủ sở hữu của NFT sẽ được thay đổi theo đó.
BRC-721 có cần thiết không?
Bitcoin là một trong những tiền điện tử đầu tiên nhất trong thị trường crypto, vì vậy mọi sự phát triển trên Bitcoin luôn thu hút được người dùng quan tâm. Tuy nhiên, hệ sinh thái Bitcoin là một khái niệm mới và đang trong quá trình phát triển, vì vậy khả năng triển khai các tính năng và tiêu chuẩn trên mạng lưới Bitcoin vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai.
Để phát triển hệ sinh thái Bitcoin trong tương lai, việc triển khai các chuẩn token là điều cần thiết đầu tiên. Điều này sẽ cung cấp nền tảng cho Bitcoin để xây dựng các ứng dụng và dịch vụ mới, từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dùng và nhà phát triển trong cộng đồng crypto.
Theo Dune, từ thời điểm ra mắt vào tháng 1/2023, nhu cầu sử dụng các phương tiện đăng ký trên mạng Bitcoin đã tăng đáng kể, và đã đạt đến mức kỷ lục 10 triệu lần đăng ký chỉ sau vài tháng.
Sự xuất hiện của BRC-721 đã cung cấp thêm giải pháp an toàn cho các giao dịch và loại bỏ những phương pháp giao dịch truyền thống và nhỏ lẻ như BRC-20.
BRC-721 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái Bitcoin, đặc biệt là trong việc quản lý các NFT Collection với sự sắp xếp và xác minh chính xác. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Bitcoin NFT trong tương lai.
Ngoài ra, BRC-721 cũng hỗ trợ một công cụ theo dõi với tên gọi Explorer, giúp cho người dùng có thể dễ dàng theo dõi thông tin của các Collection một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Mặc dù chuẩn token BRC-721 đã mở ra một khả năng mới cho việc phát triển mạng lưới Bitcoin, song người dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro và cạm bẫy lừa đảo. Một số NFT Collection được triển khai và mint quá dễ dàng, dẫn đến sự xuất hiện vô số NFT trên nền tảng này.
Hơn nữa, do đây là một chuẩn token mới, chưa có các biện pháp xác minh hay kiểm chứng trước khi giao dịch diễn ra. Các bên tham gia đều phải tự chịu trách nhiệm trong một giao dịch, gồm người mua và người bán, không có bên trung gian đảm bảo việc gửi tiền mua sẽ được đổi lấy ID inscription tương ứng, tương tự như việc nhận NFT.
Như vậy, người dùng đang tham gia giao dịch Bitcoin NFT cần thận trọng và nghiên cứu sâu trước khi thực hiện, để đảm bảo tính an toàn và tránh được các cạm bẫy lừa đảo có thể đang tiềm ẩn trên nền tảng này.
Kết luận
Mục tiêu của BRC-721 là giúp Bitcoin NFT trở nên phổ biến hơn và dễ tiếp cận hơn với đa dạng người dùng bằng cách đơn giản hóa quy trình tạo và trao đổi NFT. Nhưng việc thực hiện BRC-721 cũng tạo ra nhiều vấn đề cho người dùng và không đảm bảo được sự phát triển bền vững của mạng lưới. Để có được sự phát triển bền vững, ta cần tìm ra những giải pháp tối ưu cho các vấn đề này trong quá trình triển khai BRC-721.
Nguồn: Coin98