Số là hôm bữa có một vài ông có hỏi tôi rằng “Use case của Token nó là gì và ảnh hưởng của nó thế nào”, nên tôi cũng ngẫu hứng viết một bài để anh em có thể dễ dàng hình dung hơn. Bài viết có lấy ví dụ về hoạt động ca Huế trên sông Hương, cho nên ông nào mà người Huế thì cũng bỏ quá cho tôi, đơn giản chỉ vì đây là ví dụ chứ không có ý công kích hay miệt thị gì. Oke, bây giờ chúng ta bắt đầu.
Anh em nào từng có trải nghiệm ngồi thuyền nghe ca Huế trên sông Hương thì sẽ thấy, trên thuyền người ta sẽ bán mấy cái bông hồng. Người nghe hát ngoài mua vé lên tàu, sẽ được “khuyến khích” là mua hoa (khoảng 15 đến 20 ngàn / bông), để tặng cho ca sĩ. Ca sĩ sau khi nhận hoa xong, sẽ bán lại cho chủ quầy tàu, tất nhiên là sẽ với giá thấp hơn (ví dụ với 10 ngàn chẳng hạn). Như vậy, bông hồng trong trường hợp này tương tự như một token được sử dụng cho mục đích giao dịch, liên tục được luân chuyển trong chiếc thuyền này.
Mặt khác, Ca sĩ, với việc cung cấp dịch vụ âm nhạc (giống với các liquidity provider bên crypto), sẽ được hưởng phí giao dịch, chính là lượng hoa hồng họ được tặng. Bên cạnh đó, nếu chủ tàu hào phóng, họ sẽ trả một khoản lương cứng cho Ca Sĩ hàng ngày (giống với mining reward mà anh em hay nghe đến đấy). Bây giờ, Ca Sĩ sẽ có 2 lựa chọn, một là bán luôn cho chủ tàu với giá 10 ngàn, nhận tiền VND về ngay. Hai là đợi nguồn cung hoa hồng trên tàu khan hiếm, để ép giá chủ tàu, để bán lại với giá cao hơn, ví dụ như 12 ngàn / bông chẳng hạn. Tuy nhiên, trường hợp này sẽ khó xảy ra, đơn giản vì chủ tàu là người quyết định cuộc chơi, họ là người điều phối và Ca sĩ về mặt cơ bản cũng sẽ phải chơi theo luật này.
Oke, bây giờ chúng ta sẽ nói về câu chuyện kiểm soát nguồn cung. Ban đầu trên tàu có tận 20 bông hồng. Nhưng vì mọi người đang trôi nổi giữa sông, nguồn cung hoa thì giới hạn, cho nên chủ tàu đi đến một quyết định vô cùng “thông minh”. Ông này dùng số tiền VND mình có, mua lại số hoa hồng từ Ca sĩ, sau đó giấu (khoá, giống staking ấy) 5 bông hồng trong tủ, 5 bông còn lại sẽ bị huỷ, vặt lá, vặt cánh (nó giống với Buy Back and Burn mà anh em hay nghe). Như vậy, trên chiếc thuyền của chúng ta chỉ còn 10 bông hoa hồng. Khách hàng đến nghe hát giờ sẽ phải cắn răng mua với giá gấp đôi giá lúc trước (từ 15 ngàn, tăng lên 30 ngàn / bông). Đơn giản là vì số lượng hoa trên tàu đã bị giảm đi một nửa.
Nói đến đây, nhiều ông sẽ thắc mắc, bây giờ tôi mua vé lên tàu rồi, lên ngồi nghe hát mà không mua hoa hồng trả tiền cho Ca Sĩ được không. Ừ thì cũng được, nhưng chủ tàu đâu dễ để mấy ông yên, họ sẽ cài vào một đội “market maker”. Đám này sẽ giả bộ mua hoa hồng, tặng ca sĩ để “làm mẫu cho mấy ông xem”. Và khi hiệu ứng đám đông được kích hoạt, mấy ông sẽ tự cảm thấy quê mà tự móc tiền ra mua hoa. Nó cũng chả khác gì việc mấy ông bị fomo mấy token mới ra mà xxx ngàn lần bên crypto thôi.
Và cứ như thế, dự án nếu biết làm và tận dụng use case của token, vẫn sẽ có thể đẩy được giá “hoa hồng” lên. Mặc dù nếu đứng trên bờ và nhìn vào chiếc thuyền ngoài sông, nhiều ông sẽ bảo đám này dư tiền, mua hoa hồng là vô nghĩa. NHƯNG…lên tàu rồi thì câu chuyện và áp lực nó sẽ rất khác!!! Thôi, nói đến đây thôi, bài cũng dài rồi. Hẹn gặp mấy ông ở bài sau.
À mà anh em nào muốn tham gia thảo luận về các chủ đề nóng hổi liên quan đến thị trường DeFi thì có thể tham gia nhóm chat “Fomo Sapiens” nhé!!!
TinTucBitcoin tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
TinTucBitcoin.com