“Trong gần 2 năm qua, chúng tôi là một trong những tay chơi lớn nhất trên thị trường phái sinh. Chúng tôi đã vấp phải rất nhiều vấn đề khi sử dụng các sàn giao dịch – chính điều này đang cản đường thị trường tiền mã hóa trưởng thành để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức đầu tư. Với hy vọng cải thiện hệ sinh thái, chúng tôi đã viết vô số whitepaper, dành hàng trăm giờ đồng hồ tư vấn cho các sàn giao dịch này, nhưng vô ích.
Cuối cùng, chúng tôi quyết định xắn tay áo lên, tự mình giải quyết vấn đề và xây dựng FTX ”.
Tháng 1 năm 2018, Sam Bankman-Fried, khi đó mới chỉ là một thanh niên 26 tuổi, vừa mới rời bỏ ánh đèn lộng lẫy ở Phố Wall để thử dấn thân vào thị trường tiền mã hóa, đã phát hiện ra một phi vụ ăn giá chênh lệch tuyệt vời: do mức lãi suất cực thấp ở thị trường Nhật Bản, Bitcoin tại đây có giá cao hơn đến 10% so với ở Mỹ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, phần lớn sự chú ý của thị trường tiền mã hóa đang được dồn sang một mỏ vàng lộ thiên khác: mức chênh lệch giá 30% giữa Bitcoin ở Hàn Quốc và Mỹ, được gọi là kimchi premium. Nhưng Hàn Quốc lại có một đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ và rất khó đổi sang USD.
Bankman-Fried đã đặt tất cả lên bàn cân, tính toán xem liệu việc trực tiếp bay đến Seoul để mua Bitcoin có đáng hay không. Cuối cùng thì, anh chàng này lại chuyển sang Nhật Bản, chấp nhận trải qua một quá trình “tương đối nhiêu khê” (nguyên văn lời Sam) nếu muốn làm trên quy mô lớn, nhưng Bankman-Fried và một số người bạn, những người mà sau này đã thành lập một công ty với cái tên Alameda Research, đã xây dựng một hệ thống tài chính trung gian, bao gồm các ngân hàng ít người biết đến ở vùng nông thôn Nhật Bản, để tận dụng sự chênh lệch giá trong vòng cả tháng trời.
Nhưng việc vật lộn với hệ thống tài chính lạc hậu mới là thách thức lớn nhất. “Phần khó nhất của giao dịch chênh lệch giá, phần chậm nhất và khó nhất, tốn kém nhất và khó chịu nhất lại là tiền pháp định.” Sam đã chia sẻ với Cointelegraph trong một cuộc phỏng vấn, ở đó, anh nói về những khó khăn trong việc mở tài khoản – thứ mà sau đó có thể bị đóng bất cứ lúc nào, các thủ tục cổ lỗ sĩ và bộ máy quan liêu giao dịch hết sức chậm chạp.
“Chúng tôi đã dành năm giờ làm việc mỗi ngày để vác mặt đến các chi nhánh ngân hàng trong suốt năm tháng liền, bởi vì chỉ có làm vậy mới giao dịch xong số tiền của bọn tôi.”
Đó là một trong những lý do khiến Sam đam mê với DeFi – với tầm nhìn rằng một ngày nào đó, đây sẽ là công cụ thay thế hệ thống tài chính đang ì ạch của hiện tại.
“Hệ thống thanh toán ngân hàng hiện tại không hiệu quả chút nào. Những công ty nghìn tỷ đô được xây dựng trong nỗ lực cố gắng phức tạp hóa chuyện đó và người dùng thì phải đánh vật với những trang web vô cùng phức tạp để làm xong những chuyện rất nhỏ nhặt. Chúng ta đang sử dụng những hệ thống vô cùng lạc hậu và thậm chí những người thiết kế ra chúng còn không màng đến việc tích hợp internet vào sản phẩm của mình.”
Nhưng mà, tại sao TinTucBitcoin lại kể những câu chuyện dông dài ở trên?
Bởi vì hôm nay, chúng tôi muốn kể câu chuyện về sàn giao dịch FTX từ một khía cạnh khác, một khía cạnh mà từ đó, bạn đọc có thể hiểu được tại sao sàn giao dịch mới chỉ ra mắt được 2 năm này, được thai nghén trong mùa downtrend dữ dội của thị trường tiền mã hóa, khi mà miếng bánh “giao dịch thứ cấp” tưởng như đã bị các ông lớn đến từ Mỹ và Trung Quốc chia chác xong xuôi, lại có thể bật lên và trở thành một trong những nền tảng giao dịch phái sinh tiền mã hóa có “máu mặt” nhất thế giới.
Lợi thế lớn nhất của FTX là sàn giao dịch này được chống lưng bởi công ty giao dịch chuyên nghiệp “Alameda Research” – công ty giao dịch lượng tử có lúc nắm đến 30% khối lượng giao dịch phái sinh trên các sàn giao dịch lớn.
Sàn giao dịch đã kỷ niệm hai năm thành lập vào ngày 8 tháng 5 vừa qua. Chỉ riêng trong tháng trước, FTX đã đạt 14 tỷ USD khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày và Open Interest đạt đỉnh trên 10 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng ~25 lần so với cách đây tròn 1 năm. Chỉ sau hai năm sau, FTX đã tự khẳng định mình là một sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu cung cấp các sản phẩm sáng tạo và dẫn đầu trong thị trường tiền mã hóa vốn biến động không ngừng.
Để hiểu được tại sao nói FTX là sàn giao dịch “chịu khó” đổi mới nhất trong thị trường tiền mã hóa kể từ khi ra đời, chúng ta phải điểm qua những sản phẩm của họ – những thứ mà nếu như chưa từng sử dụng, bạn đã bỏ qua một phần rất thú vị của thị trường tiền mã hóa.
Nếu bạn mới mở tài khoản và nhìn qua danh sách những sản phẩm giao dịch liên tục được mở rộng của FTX, chắc hẳn bạn sẽ thấy rất rối rắm. Bởi vì ngay từ đầu, FTX đã chủ động nhắm đến tập khách hàng là những trader chuyên nghiệp với đầu óc nhanh nhạy về công cụ tài chính, “Build by Traders, for Traders” mà.
Sản phẩm chủ lực của FTX là giao dịch phái sinh tiền mã hóa như Bitcoin Perpetual Futures. Đây là những công cụ tài chính được tạo ra từ giá trị từ sản phẩm cơ bản – trong trường hợp này là các đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum. Sàn giao dịch FTX giao dịch các hợp đồng dựa trên tài sản cơ bản thay vì chính tài sản đó – điều này cho phép đặt đòn bẩy cao hơn và nhiều loại sản phẩm hơn. FTX cho phép đòn bẩy tối đa lên tới 101X đối với các sản phẩm phái sinh. Điều này có nghĩa là thay đổi 1% trong giá Bitcoin có thể dẫn đến thay đổi 100% số tiền đặt lệnh – có khả năng cho phép các trader thu lời nhiều hơn hoặc, tất nhiên, lỗ nhiều hơn.
Các sản phẩm phái sinh ban đầu được tạo ra dành cho các tổ chức đầu tư, công ty, thợ đào và những trader chuyên nghiệp để dành được lợi thế bất kể điều kiện thị trường. Ví dụ: những thợ đào Bitcoin biết họ sẽ nhận được Bitcoin trong tương lai có thể chọn bán Bitcoin ở mức giá hiện tại để bảo vệ mình khỏi sự biến động giá trong tương lai.
FTX cung cấp các sản phẩm sáng tạo gần như độc quyền tại thời điểm được ra mắt, từ đó trở thành tiêu chuẩn cho giao dịch phái sinh trong thị trường tiền mã hóa, chẳng hạn như chỉ số MOVE theo dõi sự biến động của một loại tài sản.
Một trong những sản phẩm phái sinh được coi là cải tiến nhất của FTX là Token đòn bẩy của sàn. Bạn đã bao giờ nghe đến BTCBULL, BTCBEAR, hay hiện nay trên Binance có BTCUP và BTCDOWN? Đây chính là sản phẩm được phát minh ra bởi FTX. Các token này thực chất là thể hiện cho việc dùng đòn bẩy của người dùng, thường có giá trị x3. Ví dụ, bạn muốn long BTC? Thay vì long x3, bạn có thể mua BTCBULL. Khi BTC lên 1%, bạn sẽ lãi 3% tương tự như long BTC x3 vậy. Thậm chí, khi đội ngũ TinTucBitcoin lần đầu tiếp cận với những sản phẩm BULL & BEAR của nền tảng này, bọn mình cũng phải mất một khoảng thời gian trải nghiệm và phân tích mới có thể nắm được trọn vẹn tầm nhìn của đội ngũ phát triển. Nhất là trong thời điểm đó, TinTucBitcoin là đơn vị đầu tiên sản xuất những nội dung phân tích về sàn giao dịch FTX bằng tiếng Việt.
Và chính những sản phẩm này đã dẫn chúng ta đến với một trong những drama ồn ào nhất của thị trường tiền mã hóa trong năm 2020.
Vào ngày 20 tháng 12 năm 2019, Binance, sàn giao dịch hàng đầu thế giới, thông báo sẽ thực hiện đầu tư chiến lược vào sàn giao dịch phái sinh FTX. Tính đến thời điểm đó, đây cũng là khoản đầu tư từ bên ngoài đầu tiên mà FTX đồng ý nhận, với hi vọng sẽ khiến FTX tiến nhanh hơn trong thị trường tiền mã hóa.
Vào ngày 17 tháng 1 năm 2020, Token đòn bẩy của FTX (BULL, BEAR, ETHBULL & ETHBEAR) đã được niêm yết trên Binance. Mở ra một sân chơi mới cho người dùng trên nền tảng này, sản phẩm của FTX ngay lập tức được tiếp cận với hàng triệu người dùng.
Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, vào ngày 31 tháng 3, Binance đã tiến hành loại bỏ các token này, với lý do rằng “người dùng thiếu hiểu biết về cách hoạt động của các token đòn bẩy.”
Đây có lẽ là kỷ lục về việc niêm yết và hủy niêm yết nhanh nhất trong lịch sử của Binance và có thể cả ngành tiền mã hóa.
Chỉ vài tuần sau, ngày 12 tháng 5 năm 2020, Binance đã tung ra sản phẩm token đòn bẩy của riêng mình, với lí do “nhu cầu người dùng quá lớn”. Mặc dù vậy, sàn giao dịch tiền điện tử này nhấn mạnh rằng token đòn bẩy của họ sẽ rất khác so với những sản phẩm hiện hành trên thị trường, và được thiết kế để có thể khắc phục những hạn chế mà những token đòn bẩy như của FTX đang gặp phải.
Kể từ đó, Sam và CZ chưa chụp chung tấm hình nào với nhau nữa.
Tất nhiên, câu chuyện phía sau chỉ những người trong cuộc mới hiểu được. Còn chúng ta, những trader nhỏ trong thị trường, có lẽ nên mừng vì kể từ cuộc chia ly đó, cả hai nền tảng này đều đã phát triển mạnh mẽ, và mang đến cơ hội kiếm tiền cho rất nhiều người trong thị trường tiền mã hóa.
Để thu hút người dùng, FTX đã giới thiệu những Index phái sinh hay các cặp đòn bẩy rất… lạ đời. Có thể kể đến như:
– Token đòn bẩy: các sản phẩm phái sinh có mức lời/lỗ gấp x lần so với mức biến động của tài sản cơ sở, là cơ hội cũng như rủi ro rất lớn cho những người muốn “mạo hiểm” giao dịch chúng.
– Các sản phẩm chỉ số tổng hợp – SHIT index, MID index, ALT index, đến DeFi Index: những rổ tài sản được cập nhật liên tục để game thêm phần mới lạ,
– Thị trường dự đoán: các hợp đồng “cá cược” biến động giá trị từ 0 USD đến 1 USD dựa trên một sự kiện nào đó ngoài đời thật. Thú vị nhất chắc chắn phải kể đến “Kèo cá độ tổng thống Mỹ 2020”, thứ mà chắc chắn không ít nhà đầu tư Việt Nam tham gia nhiệt tình.
– Tiên phong niêm yết những tài sản “chứng khoán được token hóa” – một bước mở rộng biên giới của tiền mã hóa để giao thoa với thế giới tài chính truyền thống rộng lớn, cho phép người dùng giao dịch những loại cổ phiếu nổi tiếng như Tesla (TSLA), Apple (APPL), Coinbase (COIN),… ngay trên FTX.
Phải thú nhận với bạn đọc rằng người viết đã rất tham vọng trong việc đề cập đến cuộc chơi tiền bạc của FTX vào bài viết này, dĩ nhiên, nói về FTX mà bỏ qua FTT token là một thiếu sót lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng câu chuyện tóm tắt về sàn giao dịch này cũng đã quá dài, và TinTucBitcoin cũng đã có bài viết chi tiết phân tích vấn đề này.
Thêm vào đó, với những cái đầu đứng sau FTX, chỉ riêng Sam, mà còn là Gary Wang – một kỹ sư dày dặn kinh nghiệm được rèn từ “lò Google” hay Nishad Singh, tốt nghiệp loại xuất sắc University of California Berkeley, và nhiều người nữa, những kế hoạch của FTX sẽ là một chủ đề rất thú vị để chúng ta cùng khám phá trong những bài viết tiếp theo.
Tất nhiên, trong bức tranh tương lai của FTX, DeFi là một mảnh ghép không thể bỏ qua. Theo lời những người đứng đầu, Ethereum, bao gồm cả Eth2 không thể mở rộng quy mô đủ để cho phép tiền điện tử và DeFi thay thế hệ thống tài chính hiện tại. DeFi hiện có thể xử lý khoảng 10 giao dịch mỗi giây, với các giải pháp layer cho phép nâng cấp lên vài nghìn TPS.
Sam đã từng chia sẻ: “Đây là một rào cản tuyệt đối cứng, bất di bất dịch, về mặt tăng trưởng. DeFi thực sự không thể phát triển như một hệ sinh thái cho đến khi vấn đề này được giải quyết. Và vì vậy, bất cứ kế hoạch dài hạn nào không giải quyết được nó đều là bất khả thi. […] Đó là một điểm yếu chí mạng. ” Ngay cả mục tiêu 100.000 TPS của Eth2 cũng không đủ cho những gì SBF có trong đầu.
“Nếu mục tiêu của anh là mở rộng quy mô lên 100 triệu hoặc một tỷ người dùng, […] nếu anh muốn có một ứng dụng có thể phát triển lên quy mô của các ứng dụng lớn nhất trên thế giới, thì nó cần có khả năng mở rộng quy mô khoảng một triệu giao dịch mỗi giây. Và vì vậy, hãy bỏ qua ngay lập tức và thậm chí không cần xem xét bất kỳ yếu tố nào khác, bất kỳ giải pháp mở rộng quy mô nào không đạt được điều đó, nếu đó là mục tiêu của anh.”
Đó là lý do khiến anh ấy trở thành một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Solana, một blockchain hiện có thể xử lý 65.000 TPS và tuyên bố rằng dự án này có thể mở rộng quy mô lên mức đáng kinh ngạc: 710.000 TPS trên liên kết 1 gigabit hoặc 28,4 triệu TPS trên 40 liên kết gigabit.
Với “tấm khiên” FTT vững chắc, “ngọn giáo” Solana và “mũi nhọn” Project Serum, không quá khó hiểu khi FTX đang là tay chơi “chiến” nhất trọng vương quốc DeFi, cạnh tranh sòng phẳng với những Binance Smart Chain hay Ethereum. Sẽ rất khó để dự đoán được những gì FTX có thể đạt được trong thời gian tới, nhưng chắc chắn đây sẽ là một trong những lá cờ đầu, đưa thị trường tiền mã hóa đến những đỉnh cao mới.
Từ giờ đến lúc đó, hãy tiếp tục tận hưởng FTX.
Hồng Phong
TinTucBitcoin.com