Những ngày gần đây, thị trường bão bùng với cụm từ “Trung Quốc” phủ sóng khắp mọi mặt trận. Người chơi lâu năm thường đùa với nhau rằng:
“Đến hẹn lại lên, Trung Quốc lại cấm crypto lần thứ… n.”
Những FUD bài bản này đã được TinTucBitcoin giải thích trong bài Đi tìm lý do thị trường tiền mã hóa “sập hầm” và Tổng hợp những tin tức làm thị trường tiền mã hóa “điêu đứng” gần đây. Còn hôm nay, chúng ta cùng đi tìm lời giải cho ẩn số CBDC – đồng tiền số quốc gia Trung Quốc ấp ủ bấy lâu và sự thật đằng sau đó?
CBDC có thật sự là tiền mã hóa?
Như Naval – một KOL có tiếng nói trong thị trường crypto – nhận xét:
A Central Bank Digital Currency (CBDC) is the opposite of a cryptocurrency.
It is the complete centralization of money, with no intermediary banks or monetary instruments, under the all-seeing state.
— Naval (@naval) May 25, 2021
“CBDC trái ngược hoàn toàn với cryptocurrency (tiền mã hóa).
CBDC là đồng tiền hoàn toàn tập trung, không có ngân hàng trung gian hoặc thể chế tài chính, được quản lý bởi chính phủ luôn muốn kiểm soát tất cả.”
Dù được bao phủ bởi những mỹ từ như “đồng tiền số quốc gia”, “đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain”, “tương lai của tiền mã hóa”,… thì bản chất CBDC lại hoàn toàn trái ngược với tiền mã hóa.
Nếu Bitcoin – đồng crypto đầu tiên trên thế giới – được Satoshi Nakamoto sáng lập với tầm nhìn phi tập trung, ngang hàng (peer-to-peer), ẩn danh và tự do. Thì CBDC hoàn toàn ngược lại.
Đồng tiền tập trung
Dễ thấy nhất là CBDC hoàn toàn tập trung – do chính phủ quốc gia với đại diện là NHTW phát hành. Ai kiểm soát CBDC? Chính phủ. Ai quyết định tất cả quy định cho CBDC? Chính phủ. Ai có quyền phát hành, in thêm hay hủy bỏ CBDC? Cũng là chính phủ nốt.
Việc tập trung như vậy đi ngược lại với tôn chỉ phi tập trung của tiền mã hóa. Khi mà thị trường đang hướng đến một cuộc cách mạng tài chính phi tập trung (DeFi), thì CBDC ra đời sẽ làm hủy hoại mọi sự nỗ lực đó.
Và Trung Quốc không hề dấu diếm tham vọng kiểm soát CBDC của mình, khi mà từ 2018 Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc: Tiền thuật toán của chính phủ phải “ẩn danh trong tầm kiểm soát”.
Như vậy, với tính chất đầu tiên – phi tập trung – CBDC hoàn toàn không có.
Không có sự tự do
Từ đặc điểm bị kiểm soát ở trên, dễ dàng lập luận rằng người dùng CBDC không hề có sự tự do như với các đồng crypto như Bitcoin hay Ethereum.
Tự do sao được khi mà bạn mua gì chính phủ đều biết? Bạn dùng CBDC để thanh toán ở cửa hàng nào, chính phủ đều kiểm tra được?
Đó là chưa kể “phía trên” hoàn toàn biết rõ bạn đang sở hữu bao nhiêu CBDC trong tài khoản ngân hàng, hay tuần trước, bạn đã chuyển bao nhiêu CBDC cho người yêu…
Khi mà quyền riêng tư đang trở thành vấn đề nổi cộm trong thế giới hiện nay, khi mà hàng loạt scandal chính phủ kiểm soát cuộc sống cá nhân của công dân,…. Thì CBDC xuất hiện chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề đó – đem sự tự do mà chúng ta vất vả đấu tranh được một ít ném hết qua cửa sổ…
Chẳng thế mà, dù là người Trung Quốc, CEO Binance cảnh báo về những hạn chế của CBDC khi Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu đồng USD kỹ thuật số. Vì hơn ai hết, CZ nhận thức rõ mối nguy tiềm ẩn của CBDC đối với toàn thị trường tiền mã hóa.
Blockchain đóng vai trò gì trong CBDC?
Lại thêm một cách “đánh lận con đen” của CBDC. Truyền thông tung hô CBDC sử dụng công nghệ blockchain – là tương lai của công nghệ, mang đến phát kiến tài chính mới,… Nhưng có thật CBDC và blockchain đi liền với nhau như vậy không?
Theo Nouriel Roubini: Tiền kĩ thuật số được ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) sẽ không dựa trên nền tảng Blockchain. Nhà kinh tế học này lập luận rằng:
“Khi có những tin tức về CBDC, mọi người trong ngành tiền điện tử bỗng trở nên phấn khích và cho rằng loại tiền trên sẽ vô cùng phổ biến. Nhưng nếu bạn để ý về những gì họ đang muốn làm, về liệu họ có ý định và khi nào sẽ thực hiện, bạn sẽ biết rằng CBDC sẽ không được phát triển trên nền tảng Blockchain. CBDC sẽ được phát triển trên sổ cái đơn phân.”
Như vậy, nếu blockchain có được dùng để phát triển CBDC đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để ra mắt CBDC.
Về bản chất, chính phủ có quyền quyết định xây dựng sử dụng công nghệ nào để xây dựng CBDC. Nếu họ thấy blockchain tốt, họ có thể dùng blockchain cho CBDC. Ngược lại, nếu chính phủ có một công nghệ/cách thức tối ưu hơn dành cho CBDC, thì blockchain sẽ không được để mắt đến.
Truyền thông thường thổi bùng vai trò của Blockchain trong câu chuyện này, nhưng trên thực tế, CBDC không bao giờ là một dự án blockchain hay tập trung vào blockchain.
Mục đích thực sự của Trung Quốc là gì?
Chắc hẳn nếu có tìm hiểu về Trung Quốc thì Alipay hay Wechat Pay không còn quá xa lạ. Đây là hai ứng dụng thanh toán phủ sóng toàn quốc, đến nỗi mà Trung Quốc được mệnh danh là quốc gia của thanh toán điện tử.
Ở Trung Quốc đã không còn tồn tại việc thanh toán bằng tiền mặt. Mà chỉ cần thủ sẵn một chiếc điện thoại cài app Alipay hay Wechat Pay và kết nối với tài khoản ngân hàng, thì người dân có thể thanh toán cho mọi thứ. Từ bó rau ngoài chợ, ly trà sữa đến bữa ăn ở nhà hàng cao cấp – tất cả đều chỉ cần quét mã QR để thanh toán mà thôi.
Nhưng như vậy thì có vấn đề gì?
Công ty mẹ của Alipay là Ant Financial – công ty tài chính của tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Còn Wechat Pay thuộc sở hữu của Tencent – “ông trùm” Internet với hàng loạt ứng dụng, game phổ biến chi phối cuộc sống của người dân. Nói tóm lại, cả 2 ứng dụng thanh toán phủ sóng toàn Trung Quốc lại không thuộc bất kỳ ngân hàng nào, cũng không chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ nước này.
Dĩ nhiên, Alipay Và Wechat Pay đều là ứng dụng hợp pháp tại Trung Quốc, nhưng nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân. Hơn thế, đó lại là tiền tệ, tài chính – nguồn sống của toàn bộ nền kinh tế.
Đó chính là lý do tại sao CBDC xuất hiện.
Với CBDC, về cơ bản giới chức Trung Quốc sẽ nắm lại quyền kiểm soát hệ thống tiền tệ trong nước, chứ không cần phải qua các trung gian thanh toán như Alipay hay Wechat Pay. Từ “tiền kỹ thuật số” ở đây đã miêu tả đầy đủ bản chất của CBDC:
Một đồng Nhân Dân Tệ số hóa và chỉ đến thế mà thôi.
Nếu bạn còn nghi ngờ về mục đích sử dụng của CBDC thì hãy cùng xem lại Trung Quốc đã làm gì với đồng CBDC thử nghiệm:
Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số được tích hợp với tám nền tảng ngân hàng Trung Quốc – làm tiền đề để chuẩn bị phát hành CBDC đến với công chúng.
Trung Quốc dự định cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ mã hóa tại Olympics 2022 – thử nghiệm để xem CBDC có hoạt động thay thế cho Alipay và Wechat Pay được hay không.
Các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc đang quảng bá CBDC cho lễ hội mua sắm trực tuyến – đánh trực tiếp vào mảng thanh toán trực tuyến, vốn là lãnh địa của các ứng dụng thanh toán.
Và rõ ràng hơn, năm 2019 một quan chức của Trung Quốc đã khẳng định: Đồng Nhân dân Tệ Kĩ thuật số sẽ hướng đến thanh toán quốc tế và bán lẻ trong nước. Chẳng thế mà, JD.com là nền tảng TMĐT đầu tiên chấp nhận đồng CBDC Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không muốn xóa bỏ sự tồn tại của Alipay hay Wechat Pay. Khi CBDC ra đời, chính phủ đơn giản là yêu cầu các nền tảng này tích hợp sử dụng CBDC cho người dân – từ đó vô hình trung giành lại quyền kiểm soát lại hệ thống tiền tệ trong nước.
Tạm kết
Nói tóm lại, CBDC không hề “màu hường” nhưng những gì truyền thông tung hô gần đây. Dù được Trung Quốc đi đầu thử nghiệm và nhiều quốc gia khác thi nhau nghiên cứu, áp dụng, thì CBDC cũng chỉ là một đồng tiền pháp định (fiat) được số hóa để hợp thời mà thôi.
Blockchain, nếu có, cũng chỉ chiếm phần nhỏ và không quá quan trọng với CBDC.
Các đặc tính nổi trội của cryptocurrency như phi tập trung, ẩn danh, không ai kiểm soát,… CBDC đều không đáp ứng được.
Nhưng các đặc tính cố hữu của tiền pháp định như bị kiểm soát, lạm phát, biến động thì CBDC sẽ kế thừa hoàn hảo.
Nhà báo tài chính kỳ cựu Edward Chancellor đã dự đoán: Bitcoin có thể bị hủy hoại bởi sự không ổn định và lạm phát đến từ CBDC.
Thị trường tiền mã hóa sẽ có “hại” nhiều hơn “lợi” nếu CBDC phổ biến.
Zane
Có thể bạn quan tâm:
TinTucBitcoin.com