Bandwagon là gì
Bandwagon mang nghĩa gốc là một đoàn tàu/ xe dùng để chuyên chở các đoàn diễu hành, gánh xiếc hay cái đoàn giải trí lưu diễn. Bandwagon còn được hiểu như một thuật ngữ mô tả hiệu ứng đoàn tàu. Hiệu ứng này chính là khuynh hướng con người tiếp nhận một dạng hành vi, phong cách hay thái độ nào đó vì phần đông người khác đang làm như vậy. “Đoàn tàu” càng kéo được nhiều người thì toa sẽ tiếp tục được kéo dài và càng nhiều người sẽ tự nối tiếp tạo thành các toa càng dài phía sau.
Bandwagon là gì (Ảnh minh họa)Xét trên phạm trù kinh tế, Bandwagon được hiểu như một khái niệm mô tả tình huống khi giá cả một loại mặt hàng giảm, thì nhu cầu của một số người mua sẽ tăng lên, sau đó, những người khác bắt đầu chạy theo phản ứng của số đông và tăng nhu cầu của mình. Do đó, khi hiệu ứng này tồn tại, đường cầu của thị trường không chỉ là tổng các đường cầu cá nhân, mà còn dịch ra xa hơn, nhu cầu trở nên vượt quá mức dự kiến.
Hiệu ứng đoàn tàu thường dễ nhận thấy trong các thị trường đang tăng trưởng và thời kì bong bóng giống như thị trường crypto giai đoạn 2017. Tại thời điểm đó tổng khối lượng giao dịch của thị trường tiền số có mức trung bình 3 tỷ đô/ngày, xấp xỉ, thậm chí có dấu hiệu vượt được cổ phiếu có lượng giao dịch lớn nhất thế giới lúc bấy giờ là Apple với 4 tỷ đô /ngày.
Xét trên phạm trù tâm lý, Bandwagon được xem là một hiệu ứng tâm lý, mà khi ai đó mắc phải, hành động của họ sẽ bị chi phối chủ yếu đám đông, thậm chí đôi khi hành động đó trái ngược với niềm tin của họ. Dựa trên góc độ này, hiệu ứng đoàn tàu Bandwagon có ý nghĩa rộng lớn, có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực đặc biệt trong chính trị và kinh tế khi điều chỉnh hành vi của con người. Về khía cạnh này Bandwagon ngoài cái tên hiệu ứng đoàn tàu thì thường xuyên được gọi với cái tên là hiệu ứng “5 con khỉ và 1 nải chuối”.
Bandwagon – Hiệu ứng 5 con khỉ và 1 nải chuối!?
Đi sâu vào khía cạnh này, một số nhà khoa học thế kỷ 19 đã làm một thí nghiệm. Họ nhốt năm con khỉ vào trong một cái chuồng với một cái thang, trên đỉnh của cái thang tren một nải chuối. Ban đầu, dù bất kỳ một con khỉ nào leo lên thang thì tất cả các con khỉ còn lại đều bị xịt nước lạnh. Kể từ đó, con khỉ nào leo lên thang trước sẽ bị các con khi còn lại đánh. Một lúc lâu sau, không còn con khỉ nào leo thang nữa bất kể sự cám dỗ của nải chuối. Các nhà khoa học lúc này quyết định thay thế một con khỉ cũ bằng một con mới. Con khỉ mới liền leo lên thang để lấy nải chuối và lập tức bị đám khỉ còn lại vây đánh. Sau nhiều lần ăn đòn, con khỉ mới biết rằng không được leo lên chiếc thang đấy nếu không muốn bị đánh, dù chẳng hiểu lý do. Tiếp đó, một con khỉ khác được thay thế, và sự việc lại diễn ra như cũ, bao gồm cả con khỉ không hiểu nguyên do cũng tham gia đánh hội đồng con khỉ bị thay thứ hai. Cứ thế, … mọi việc tương tự xảy ra cho đến khi thay thế hoàn toàn cả năm con khỉ lúc đầu. Những con khỉ còn lại tiếp tục không để bất kỳ một con nào khác leo lên chiếc thang dù chúng chưa hề bị xịt dù chỉ một giọt nước.
Năm 1848, Dan Rice, một anh hề rất nổi tiếng ở thời điểm đó, quyết định dùng đoàn xe Bandwagon ( một đoàn tàu/ xe dùng để chuyên chở các đoàn diễu hành, gánh xiếc) của mình và âm nhạc để thu hút sự chú ý cho một cuộc vận động chính trị và kết quả là ông rất thành công. Cùng với kết quả của thí nghiệm trước đó, hiệu ứng đoàn tàu (Bandwagon effect) bắt đầu được dùng rộng rãi để ám chỉ một người có khuynh hướng làm theo hay tin theo một việc có nhiều người làm dù có thể chẳng hiểu nguyên nhân.
Nhờ sự thành công của Dan Rice, nhiều nhà chính trị gia khác cũng tham gia vào đoàn xe. Thậm chí, cuộc tranh cử tổng thống diễn ra vào năm 1900, Bandwagon được xem như một chuẩn mực trong vận động tranh cử và thành ngữ “jump on the bandwagon” (hàm ý chế giếu, chê bai) được dùng để chỉ những người cố gắng bon chen ăn theo thành công của người khác mà không quan tâm đến đối tượng là ai.